ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
QUẬN 5 - THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

2 học sinh khiến 20 cô, thầy hiến tạng

Một buổi tối cách đây một năm, cậu học trò Phạm Hùng, hiện là học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Du (huyện Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu) đang ngồi xem tivi cùng bạn là Đinh Hữu Thiên Phúc, hiện là học sinh lớp 11 cùng trường. Tình cờ tivi phát đi phóng sự về việc bé Hải An (bảy tuổi, sống ở Hà Nội) sau khi mất đi đã hiến đôi mắt của mình cho hai người được sáng mắt.

Bình thường, đôi bạn có chung sở thích xem chương trình ca nhạc, phim ảnh giải trí nhưng không hiểu sao khi xem phóng sự này, cả hai đều không muốn chuyển kênh và lặng người xúc động.

Hiến tạng trước tuổi 18

Phạm Hùng kể về ý tưởng khiến em và Phúc nghĩ rằng cần phải thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học chủ đề “Lan tỏa và thay đổi nhận thức việc hiến tặng mô tạng ở học sinh THPT” trong một năm qua: “Với từ khóa “nghĩa cử cao đẹp về việc hiến tặng mô tạng”, chúng em tìm thấy rất nhiều câu chuyện khác như Thiếu tá Lê Hải Ninh hiến tạng cứu sáu người ở Hà Nội và mẹ Ngần hiến tạng con trai cứu năm người ở Hà Nội. Mang những câu chuyện này đi hỏi các bạn xung quanh thì rất ít bạn hiểu được giá trị của việc làm này”.

Với sự dìu dắt của cô Nguyễn Thị Thúy, giáo viên môn công nghệ của trường, hai cậu học trò đã tiếp xúc nhiều học sinh của ba ngôi trường THPT trên địa bàn để khảo sát thêm suy nghĩ của các bạn về việc hiến tạng, đồng thời mở nhiều buổi sinh hoạt, thực hiện một số video tuyên truyền về nghĩa cử cao đẹp này tại các trường. Cô Thúy cũng là cô giáo đầu tiên của trường đăng ký được hiến tạng tại BV Chợ Rẫy.

“Khi lần đầu được hỏi nếu bản thân gặp bất trắc thì có đồng ý hiến tạng không, rất ít bạn đồng ý hiến với tâm lý ít cởi mở. Sau một năm, tụi em quay lại cũng với câu hỏi trên thì lại nhận được rất nhiều suy nghĩ, chia sẻ của các bạn về việc hiến tạng” – Hùng vui mừng kể.

Nhận thấy biến chuyển nhận thức của các bạn sau một năm thực hiện đề tài, Phúc nhận xét: “Hiện nay, học sinh vẫn còn thiếu kiến thức về việc hiến tạng, mối quan tâm của các bạn chủ yếu là các thần tượng âm nhạc và một số trò chơi giải trí. Em nghĩ nếu các bạn hiểu được ý nghĩa của việc mình làm thì sẽ không còn tâm lý ngần ngại nữa”.

Khá dễ dàng khi trao đổi với bạn bè cùng lứa nhưng Hùng và Phúc cũng gặp rào cản không nhỏ khi thuyết phục người lớn. “Khi mới đầu nghe em chia sẻ về quyết định sẽ hiến tạng sau khi mất, mẹ em thì ủng hộ nhưng ba em cương quyết phản đối vì muốn thân thể người thân toàn vẹn sau khi mất. Bà ngoại thì khóc, hốt hoảng khi nghe em cùng mẹ đồng lòng sẽ hiến tạng sau khi mất. Và mẹ dần dần giải thích cho ba và bà hiểu.

Mới đây bà em đã đồng ý và ba em mới xin đơn để làm thủ tục hiến tạng rồi” – Hùng bộc bạch.

Chỉ còn vài tháng nữa là bước sang tuổi 18, Hùng và Phúc chờ đợi ngày cầm trên tay tấm thẻ đăng ký hiến tạng.

1398ee946bd4828adbc5

Hai cậu học trò Hùng (bên phải) và Phúc say sưa nói về chủ đề thay đổi nhận thức về hiến tạng. Ảnh: HL

4034be383b78d2268b69

TS-BS Dư Thị Ngọc Thu trao thẻ đăng ký hiến tạng cho 10 thầy cô giáo. Ảnh: HL

20 thầy cô cùng đăng ký hiến tạng

Trong quá trình thực hiện đề tài, Hùng và Phúc đã cùng cô Thúy lên Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người BV Chợ Rẫy để tìm hiểu cặn kẽ thủ tục. Chuyến “vi hành” được nối dài khi chiều 26-11, TS-BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị, đã đến tận trường để tham dự buổi tọa đàm thay đổi nhận thức về việc hiến tặng mô, tạng tại trường. Tại đây, BS Thu đã trao 20 thẻ đăng ký hiến tạng cho các thầy cô giáo tại trường và một cựu học sinh của trường là giáo viên của trường khác. Đặc biệt, trong số 20 thầy cô giáo có hai thầy cô là phụ huynh của em Hùng và Phúc.

Chia sẻ về nguyện vọng hiến tạng sau khi mất, cô Mai Thị Mai, giáo viên bộ môn giáo dục công dân, cho biết từng nhiều lần vào bệnh viện thăm người thân, chứng kiến nhiều người mắc bệnh nan y nên cô rất đồng cảm. “Cách đây một năm, khi nghe về hoạt động của hai em Hùng và Phúc tôi rất thích và cảm thấy đó là việc làm rất có ý nghĩa nhưng cũng lo sẽ quá sức đối với hai em. Giờ thấy các em hào hứng lan tỏa nghĩa cử này đến được với nhiều bạn đồng trang lứa, tôi rất vui khi đồng hành cùng các em” – cô giáo Mai bày tỏ.

Có bài tham luận xúc động tại buổi lễ, Nguyễn Quang Duy, học sinh lớp 12, chia sẻ trước kia em không hề quan tâm đến việc hiến tạng vì nghĩ “trời kêu ai người nấy dạ”. Tuy nhiên, sau khi được hai bạn Hùng và Phúc chia sẻ những số liệu về số người chết hằng ngày do không có nguồn tạng hiến thì em mới giật mình và tự vấn về lối sống của bản thân.

“Ở lứa tuổi này, chúng em chỉ quan tâm chuyện học hành, giải trí, hiếm có ai suy nghĩ được như hai bạn. Tại sao mình còn trẻ nhưng không thể làm được việc gì cho thế hệ sau được sống trọn vẹn hơn?” – Duy tâm sự. Em cũng cho hay đã suy nghĩ về việc sẽ hiến tạng khi đủ tuổi và thuyết phục người thân cùng đồng hành.

Cần có luật hiến tạng cho trẻ em

Theo TS-BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người BV Chợ Rẫy, ở các nước tiến bộ đã có quy định cho trẻ em được hiến tạng sau khi mất. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc này chỉ áp dụng cho người trên 18 tuổi. BS Thu từng nhận được nhiều cuộc gọi từ người thân muốn hiến tạng của các bé bệnh nặng không may qua đời, nhưng đáng buồn là bệnh viện không thể tiếp nhận được. “Cần xây dựng luật hiến tạng cho trẻ em dưới 18 tuổi, mở ra cơ hội cho trẻ em được nhận tạng đồng tuổi, đồng nghĩa sự chờ đợi sẽ ngắn lại” – BS Thu chia sẻ.

Tiên phong tổ chức đăng ký hiến tạng trong trường học

Từ buổi tọa đàm về hiến tạng do Trường THPT Nguyễn Du (huyện Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu) tổ chức, với sự tham dự của đại diện BV Chợ Rẫy, lần đầu tiên tại Việt Nam, việc đăng ký hiến tạng được diễn ra trong trường học. Đồng thời tại đây ghi nhận được việc làm tiên phong trong vận động hiến tạng của các em học sinh.

HOÀNG LAN

Nguồn: https://baomoi.com/2-hoc-sinh-khien-20-co-thay-hien-tang/c/33118012.epi?utm_source=facebook&utm_medium=feedfb&utm_campaign=facebook&fbclid=IwAR23qSF5Jb7XOHwTOPVi6eIaf5t6dfJnEiT2_9jnwnsIrgDCqF7F-8FNY5Y

GÓP Ý KIẾN