ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
QUẬN 5 - THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Những ánh sao đêm

Mỗi sáng mai, khi mọi người đi trên những con phố TPHCM sạch sẽ, phong quang là kết quả từ những giọt mồ hôi của công nhân quét rác trong đêm lạnh. Điều bất ngờ, khoảng 75% công nhân làm “công việc phụ nữ” lại là đàn ông, trong đó có nhiều người rất trẻ. Họ luôn tâm niệm “học và làm theo Bác bằng việc làm cần mẫn, thầm lặng của mình”.

365 ngày không nghỉ

Ngày cuối tuần, đã 12 giờ đêm, phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) vẫn còn đông người. Từng tốp nam nữ thanh niên tụ tập thành nhóm vui chơi, đàn hát. Lặng lẽ giữa đám đông, những công nhân trong bộ đồ vàng cam gom nhặt rác thải mà người dân vô tình ném xuống đường. Công việc của anh em trong tổ là giữ cho khu vực phố đi bộ luôn sạch sẽ.

Gần 1 giờ sáng, phố đi bộ thưa người dần, cũng là thời gian cao điểm của công nhân vệ sinh. Mọi người đồng loạt đi thu nhặt rác, quét lại đường sá. Mỗi khi ánh đèn xe chiếu đến, vệt phản quang trên áo lại sáng lên như những ánh sao trong đêm.

Thanh Nam (công nhân Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1) cho biết, ca làm việc thường kéo dài từ 2 giờ chiều đến 3 giờ sáng hôm sau. Hiệu quả công việc của người lao động không tính bằng thời gian ca làm, số lượng xe rác thu gom được mà phải luôn trong tình trạng không thấy rác, bụi đất bẩn trên đường. Những ngày lễ, tết, cuối tuần, người dân đến vui chơi đông, công việc của công nhân quét rác càng nặng nhọc.

“Công nhân quét rác làm việc suốt 365 ngày trong năm. Mỗi năm, anh em chỉ được nghỉ vào ngày mồng 1 tết, nhưng bù lại phải làm tăng ca, bù giờ vào đêm giao thừa. Niềm vui là được góp sức nhỏ để làm cho con phố luôn sạch sẽ”, anh Thanh Nam tâm sự.

Ở các quận xa trung tâm như 12, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp…, những công nhân quét rác đối mặt với khó khăn, vất vả của những tuyến đường thiếu ánh sáng. Đã gần 10 năm theo nghề, chiếc chổi của công nhân Lê Văn Út (Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận Bình Thạnh) gắn bó với nhiều tuyến đường ở quận Bình Thạnh. Đoạn đường Xô Viết Nghệ Tĩnh từ vòng xoay Hàng Xanh đến Đài Liệt sĩ mà anh đang được phân công giữ vệ sinh là phức tạp, khó khăn nhất. Nỗi lo mỗi tối cầm chổi ra đường không phải rác nhiều hay ít, đường có ngập nước hay không mà là tiếng xe tải nặng giữa đêm khuya. Đèn đường một số chỗ trên tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh không được sáng, lại thường xuyên có xe container chạy qua. Đêm càng khuya, xe chạy càng nhanh, rủi ro về tai nạn giao thông rất khó lường.

Niềm vui với nghề
Gần 2 giờ sáng, công nhân Ngô Tấn Khoa (Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận Bình Thạnh) đứng bên xe chở đầy rác ở gần giao lộ Nguyễn Xí – Xô Viết Nghệ Tĩnh, chờ xe ép rác đến. Trong lúc chờ, anh Tấn Khoa cùng mấy công nhân kể về nghề. Ca làm việc của công nhân quét rác tùy thuộc vào xe đến lấy rác, nhiều hôm kéo dài đến 2-3 giờ sáng. Những ngày lễ, tết, người dân vui chơi nhiều nhưng công nhân lại bận rộn nhất. Thời gian không quên với công nhân quét rác là những tháng thành phố giãn cách để phòng chống dịch Covid-19. Trong khi người dân kín cổng cao tường, hạn chế tiếp xúc thì công nhân quét rác vẫn ra đường, phải gom nhặt rác từ các hộ gia đình thải ra. Nhiều công nhân hàng chục năm trong nghề nhưng không ít lần run tay khi chạm vào túi rác.

Những công nhân quét rác mỗi khi cầm chổi ra đường là đối mặt với bao nguy hiểm, nhưng họ đã tìm được niềm vui trong nghề đã chọn. Công nhân Võ Thị Ngọc Dung (công nhân vệ sinh TP Thủ Đức) kể, nhiều đồng nghiệp bị tai nạn khi đang làm việc. Trong đêm tối, xe máy đi trên đường tông vào nhưng đường tối, không có camera giám sát nên khó lập biên bản xử lý. Công nhân Đặng Trí Đức (công nhân vệ sinh quận 8) chia sẻ khó khăn của gia đình khi người vợ bị tai nạn lao động mất sức 58%, nhưng tiền trợ cấp lại ít ỏi, cuộc sống gia đình rơi vào khó khăn. Dẫu thế, họ vẫn không bỏ nghề

Công nhân trẻ Thanh Nam cho biết, gia đình anh không ai theo nghề quét rác, nhưng anh lại chọn công việc này. Thu nhập của anh chỉ khoảng 7-8 triệu đồng/tháng, phải chi tiêu tiết kiệm mới đủ nuôi 3 con nhỏ ăn học. Dù vậy, Thanh Nam vẫn gắn bó với công việc, với niềm vui là cùng anh em trong đội góp phần làm cho thành phố sạch đẹp hơn.

Với công nhân Lê Văn Út, gần 10 năm từ ngày rời Bình Định vào TPHCM cũng là từng đó thời gian gắn bó với nghề cầm chổi. Anh kể nhiều với chúng tôi về những con đường, ngõ hẻm trên địa bàn quận Bình Thạnh. Các tuyến Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh, Bùi Đình Túy, Nguyễn Xí… đã trở nên thân thuộc, gần gũi.

“Người dân thành phố thân thiện, và lãnh đạo công ty, chính quyền thường thăm hỏi, tặng quà cho công nhân quét rác mỗi khi lễ, tết. Đêm một mình quét đường nhặt rác, không ai đứng sau lưng giám sát, nhưng tôi luôn nhắc trong lòng cố gắng làm tốt. Tôi tâm niệm đó là cách để cống hiến, trả ơn mảnh đất, tấm lòng người dân TPHCM đã dành cho mình”, anh Út khiêm tốn chia sẻ.
Nguồn: https://m.sggp.org.vn/nhung-anh-sao-dem-800552.html

 

GÓP Ý KIẾN