ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
QUẬN 5 - THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Hội quán Tuệ Thành

Từ nửa cuối thế kỷ XVIII, đông đảo người dân vùng duyên hải Nam Trung Hoa đến Việt Nam buôn bán hoặc định cư. Tương truyền khi lênh đênh trên biển họ mang theo bài vị Thiên Hậu Thánh Mẫu để cầu xin bà phù hộ bình an. Theo truyền thuyết, Thiên Hậu Thánh Mẫu tên là Lâm Mặc Nương, sinh ngày 23 tháng 3 âm lịch năm 960 ở Mi Châu, Bồ Điền, Phúc Kiến, Trung Hoa. Từ nhỏ Bà đã có khả năng đặc biệt thấy trước tương lai, cứu người hoạn nạn, nhất là người đi trên biển. Sau khi mất (năm 987) Bà rất hiển linh nên dân chúng lập miếu thờ và được triều đình Trung Hoa phong tặng nhiều danh hiệu cao quí. Tại khu vực trung tâm của Sài Gòn xưa – khu vực Chợ Lớn ngày nay, người Hoa quê phủ Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông đã xây dựng Hội quán Tuệ Thành làm nơi hội họp, quản lý di dân, giúp đỡ đồng hương đồng thời cũng là nơi thờ cúng Thiên Hậu để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Bà. Tuệ Thành là tên gọi khác của Quảng Châu, có nghĩa là thành phố dồi dào lúa gạo, xuất phát từ truyền thuyết một ông tiên đã ban cho người dân Quảng Châu nhánh lúa thần diệu, giúp cho Quảng Châu sung túc, giàu có. Hội quán Tuệ Thành thường được gọi là “Chùa Bà Chợ Lớn”.

Do quá lâu đời và không có tài liệu cụ thể nên không biết chính xác hội quán được xây dựng vào năm nào. Tại Hội quán còn lưu giữ một đại hồng chung, các chữ Hán đức trên thân chuông cho biết chuông do các nhà buôn của Hội quán Tuệ Thành dâng cúng vào năm Ất Dậu niên hiệu Càn Long tức năm 1795. Nội dung một bia đá ở tiền điện ghi lại sự kiện trùng tu năm 1830 cho biết cách đó hơn ba mươi năm hội quán đã được hình thành nhưng qui mô còn nhỏ. Ngoài lần trùng tu năm 1830, hội quán còn được trùng vào các năm 1828, 1841, 1859, 1908, 1972, 1998.

Theo bia đá lập năm 1859 thì hội quán “nằm ở nơi đón mừng sắc tước. Trước mặt là nơi các dòng sông hội họp, hai bên thờ rồng múa hổ vờn”. Tuy vậy trước hội quán, phía bên kia đường vẫn có thêm hồ cá phóng sinh để tụ khí, trấn mạch.

Hội quán Tuệ Thành có dạng nhà khung gỗ, tường hồi chịu lực, mái lợp ngói âm dương, được xây dựng trên khuôn viên có chiều dài hơn 65 mét, chiều rộng 27 mét. Bố cục mặt bằng Hội quán Tuệ Thành gồm khoảng sân nhỏ phía trước, lần lượt từ cửa chính vào tiền điện, thiên tỉnh, trung điện, nhà hương và chính điện. Hai dãy Đông sương và Tây sương nằm dọc hai bên, kéo dài từ tiền điện tới chính điện và được ngăn cách bằng hành lang. Dãy Đông sương gồm phòng họp, phòng khách và phía cuối, ngang với chính điện, là điện thờ Thần Tài. Dãy Tây sương bố trí cân đối với Tây sương, gồm phòng khách và điện thờ Thần Tài. Bên phải hội quán là trường Trung học cơ sở Mạch Kiếm Hùng, nguyên là trường tiểu học Tuệ Thành được xây dựng vào năm 1911.

Hội quán Tuệ Thành thật “bắt mắt” bởi các phù điêu gốm trang trí trên tường, trên mái ngói. Mái của mỗi điện thờ và Đông sương, Tây sương được trang trí cả hai mặt bằng phù điêu gốm do hai lò gốm Đồng Hòa và Bửu Nguyên tạo tác vào năm 1908, có chiều ngang đến 16 mét, cao hơn 1 mét, dày 0,4 mét. Tầng trên của các phù điêu đều lấy đề tài “lưỡng long tranh châu” để trang trí, còn hầu hết các tầng dưới khác nhau với các điển tích “Tây du ký”, “Thiết Phiến cung”, “Bát Tiên quá hải”, “Ngọc hoàng Đại Đế”, “Bao Công xử án”, “Hán Sở tranh hùng”, … xen kẽ với hoa lá, long, lân, qui, phụng … Mảng tường bên dưới các phù điêu gốm đắp nổi hình bầy nai, cặp gà trống mái bên cành hoa mẫu đơn, cá hóa long, long mã, sư tử … Ở các đầu đao gắn các tượng gốm ông Nhật, bà Nguyệt, rồng có cánh, Võ tòng đả hổ … Sân trước hội quán, ngoài hai tượng sư tử đá chầu hai bên còn có các phù điêu gốm, tượng đắp nổi bằng ô đước và các bài thơ Đường nổi tiếng trang trí trên bờ tường dọc hai bên sân.

Cửa vào hội quán chạm bốn chữ Hán “Tuệ Thành hội quán”. Trên vách mặt tiền là tranh vẽ “Trúc lâm thất hiền”. Phần dưới mái hiên trang trí tượng kỳ lân và chạm trổ dây hoa, lân, phụng … Đặc biệt là bức phù điêu gỗ treo dưới mái hiên, trước cửa chính, được chạm trổ ở cả hai mặt và ghi các dòng chữ: “Tây Liêu quốc”, “Tô Lộc thái tử”, “Phù Tang”, “Thát Đát hoàng thúc”, “Đông Hải Long Vương kỳ” bên cạnh hình “Bát Tiên quá hải”, “Hải Long Vuông binh tướng”…

Chắn ngang tầm nhìn từ ngoài vào là một trung môn được thiết kế như một khung cửa có hai cánh cửa, đặt gần cuối tiền điện.

Tiền điện có hai khám thờ ở sát hai góc tường và đối diện nhau. Bên trái thờ Môn Thần (tức Thần Hữu Đức Ty Chuyên), bên phải thờ Phúc Đức Chính Thần (tức Thần Thổ Địa). Ngoài hai tấm bảng giới thiệu truyền thuyết về Thiên Hậu và tranh vẽ Bà hiển linh trên sóng nước treo hai bên cửa vào, trên tường tiền điện và dọc suốt phía trên vách tường hai bên thiên tỉnh là các tranh vẽ điển tích “Thương Sơn tứ hạo”, “Châu Xứ trù tam hại” đời Tần, “Vị thân phụ mễ” (chuyện về tấm gương hiếu thảo của Tử Lộ) … cùng các bài thơ Đường của Lý Bạch, Vương Xương Linh, Vương Bạt … Phía dưới các tranh vẽ trên vách tường hai bên thiên tỉnh là những tấm bia đá ghi lại việc trùng tu và các sự kiện đáng nhớ của hội quán.

Trung điện có diện tích khá rộng. Phía ngoài bày một hương án lớn, mặt trước chạm phù điêu “Lục quốc phong tướng”. Trên hương án bày bộ ngũ sự pháp lam được đúc vào năm Quang Tự thứ 12 (1886). Cao phía trên hương án trên bức hoành phi “Hàm hoằng quang đại” (Ân đức bao la). Ngoài ra còn có hai tủ kính, một để trưng bày kiệu gỗ được dùng rước Thiên Hậu trong ngày vía Bà và một tủ kính trưng bày các ống phun nước chữa cháy bằng đồng do Hội quán Tuệ Thành đặt làm ở tỉnh thành Việt Đông, Trung Hoa.

Kế tiếp trung điện là nhà hương (hương đình). Gian giữa nhà hương có ba hương án đặt song song nhau. Hương án ngoài cùng bày năm lư hương để dâng hương Thiên Hậu Nguyên Quân, Long Mẫu Nương Nương và Kim Hoa Nương Nương. Dưới mái nhà hương treo rất nhiều những khoanh nhang vòng, được thắp liên tục để cầu xin bình an, may mắn.

Chính điện được tôn cao hơn các điện thờ phía trước, chia làm ba gian bởi các thân cột tròn. Gian thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu được bài trí trang trọng ở gian giữa. Chắn ngang giữa hai thân cột hàng thứ nhì của chính điện là một hương án lớn. Phía sau hương án này, cách một khoảng khá rộng có một hương án nữa để bày bộ ngũ sự bằng đồng được đúc vào năm 1860. Mặt trước hương án trang trí phù điêu tạo tác vào năm 1875, chạm trổ điển tích Phong Thần, tùng – lộc, mai, lan, cúc, trúc … Dóc trước hai bên hương án là hai bộ bát bửu, mỗi bộ gồm tám loại binh khí có cán bằng gỗ, lưỡi bằng đồng, mỗi loại binh khí được đúc cùng một đồ vật trong tám loại đồ vật tượng trưng cho sự phong lưu, tao nhã, trí thức như quả bầu, cuốn thư, giỏ hoa, tháp bút …

Sâu vào phía trong lại có thêm một hương án nữa đặt trước khám thờ Thiên Hậu để dâng lễ vật cúng tế.

Khám thờ Thiên Hậu được chạm trổ tinh tế rồng, phụng, mai – điểu, dây hoa … có ba tượng thờ Thiên Hậu được đặt theo một hàng dọc từ thấp lên cao, hai bên là hai ngọc nữ đứng hầu. Chếch về bên trái là bài vị “Sắc phong Hộ Quốc Thiên Hậu Nguyên Quân thần vị”.

Hai tượng nhỏ Thiên Lý Nhãn và Thuận Phong Nhĩ đứng trước hàng chữ Hán chạm ở mặt trước khám thờ:

“Hậu đức dữ thiên, sùng điện các,

Thánh ân tùy địa, tịnh phong triều”

(Đức của Bà vời vợi ngang trời, tôn sùng bằng đền miếu,

Ơn của Thánh trải ra khắp chốn, nơi nơi gió lặng sóng yên)

Công đức của Thiên Hậu còn được ca ngợi qua nội dung cặp liễn đối treo cột gỗ hai bên:

“Hải quốc thiên từ hàng, thủy đức tham thiên, hoành lãm Mân vân liên Việt tung,

Mi Châu long ý phạm, khôn nghi phối địa, vĩnh lưu Việt đảo hộ Hoa Kiều”

(Biển rộng đã có thuyền từ, đức của Bà sánh với trời cao, đưa mây đất Mân liền núi Việt,

Xứ Mi Châu rõ ràng thánh nữ, nghĩa của Bà trải đều đất rộng, luôn nơi nước Việt bảo hộ Hoa Kiều).

Thấp bên trái bệ đặt khám thờ Thiên Hậu có bàn thờ Thổ Địa.

Gian bên trái thờ Long Mẫu Nương Nương. Theo Nguyễn Ngọc Thơ, Long Mẫu Nương Nương có tên là Ôn Long Cơ, được cho là người tộc Âu Việt, quê cùng thượng lưu sông Tây Giang. Cha mẹ bị lũ cuốn trôi, Bà được lão đánh cá Lương Tam Công cứu vớt và nuôi nấng. Bà nuôi 5 con rồng nên được gọi là Long Mẫu. Vốn thông minh, tài giỏi, Bà đã hợp nhất các bộ lạc thuộc vùng trung và thượng lưu sông Tây Giang chống lại quân Tần. Sau khi mất Bà được suy tôn là nữ thần.

Khám thờ Long Mẫu Nương Nương chạm trổ đơn giản, có tượng thờ Long Mẫu Nương Nương và hai ngọc nữ cùng bài vị “Sắc phong Hộ Quốc Thông Thiên ân tặng Hiển Đức Long Mẫu Nương Nương”. Trước khám thờ có hai hương án đặt song song nhau. Hương án phía trong chạm trổ ngô đồng – phượng, tùng – lộc, quân binh … ở mặt trước, bên trên bày một bộ ngũ sự bằng đồng được làm vào năm 1877. Lùi ra phía ngoài, gần góc tường có một lư hương lớn và một giá trống.

Kim Hoa Nương Nương tức Bà Mẹ Thai Sinh, vị nữ thần phù hộ việc sinh đẻ, nuôi dạy con cái được thờ ở gian bên phải của chính điện. Khám thờ Kim Hoa Nương Nương và hương án trước khám thờ được bài trí, chạm trổ giống như khám thờ, án thờ Long Mẫu Nương Nương nhưng bộ ngũ sự có niên đại 1860.

Ngoài tượng thờ Kim Hoa Nương Nương và tượng hai ngọc nữ còn có bài vị “Kim Hoa Phổ Chủ Huệ Phước Phu Nhân”. Sát vách tường bên phài bày mô hình thuyền đi biển với lá cờ nhỏ ghi “Phổ độ chúng sinh”. Cạnh đó là đại hồng chung đúc năm Càn Long thứ 60 tức năm 1795 và đại hồng chung đúc năm Mậu Ngọ 1878.

Ngoài bốn cặp liễn đối bằng gỗ treo trên cột, trên tường chính điện trang trí các bức tranh “Trúc lâm thất hiện”, “Phong trần tam hiệp”, điển tích Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi kết nghĩa trong bức tranh “Đào viên tam nghĩa”, chuyện về tấm gương hiếu thảo trong tranh “Hiếu cảm động thiên”…

Từ chính điện có lối ra bên trái để vào điện Quan Đế và lối ra bên phải đề vào điện Thần Tài.

Khám thờ Quan Đế (Quan Thánh Đế Quân) đặt trên bệ gạch, chạm trổ lưỡng long triều nhật, mai, cúc, dây hoa … Tượng Quan Đế ngồi trên ngai có Quan Bình và Châu Xương đừng đầu.

Khám thờ Thần Tài (Tài Bạch Tinh Quân) cũng được đặt trên bệ gạch, được chạm trổ rồng, phụng, bông sen, hoa lan … Tượng thờ Thần Tài thể hiện một ông lão mặt đen, râu dài, ngồi trên ngai.

Nhìn chung hai điện thờ này được bài trí đơn giản nhưng không kém phần tôn nghiêm.

Trải qua hơn hai thế kỷ tồn tại, Hội quán Tuệ Thành vẫn luôn gìn giữ được nét đẹp của một công trình kiến trúc cổ, sự tinh tế, sắc xảo của nghệ thuật chạm khắc gỗ trên các phù điêu hương án, các bao lam, khám thờ, liễn đối; nghệ thuật hội họa và thư pháp trên các tranh tường và đặc biệt là nghệ thuật, kỹ thuật chế tác các phù điêu gốm, dù trâm năm mưa nắng vẫn giữ gần như nguyện vẹn đường nét và màu sắc của từng chi tiết. Bên cạnh đó nội dung các liễn đối là di sản văn học giá trị, thể hiện lòng tri ân Thiên Hậu và tài hoa của người sáng tác, như:

“Ân lưu Việt hải, tích trứ Mân Bang, tự thiên giáng khang, vạn tính vĩnh ưng đa phúc,

Đức tỷ Hoàng Oa, công mâu Thần Vũ, phi hậu hà đái, cửu châu lợi thiệp đại xuyên”

(Ơn xuôi biển Việt, dấu tích ở đất Mân, từ trời ban yên lành cho trăm họ,

Đức sánh Nữ Oa, công như Hạ Vũ, không phải Bà thì ai đem lợi lộc cho khắp chín châu)

“Thịnh đức đại nghiệp, nại do dụ dân, duy nhĩ hữu thần, tỷ như thiên thiên thanh bình cách,

Hoa hạ man bách, võng bất tốt tỷ, nhược thiệp đại thủy, ai ngã hậu hậu lai kỳ tô”

(Đạo đức thịnh, sự nghiệp lớn, dân giàu có, nhờ thần linh ngày một thêm giàu có,

Từ người Hán đến man di, không phân ranh giớ, cùng vượt biển cả, đều được Thiên Hậu phù hộ bình an)

Năm 2012, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố, Hiệp hội Du lịch Thành phố, Công ty cổ phần thương mại doanh nhân Việt – VEC công bố chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh 100 điều thú vị” và bình chọn Hội quán Tuệ Thành là công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu.

GÓP Ý KIẾN