ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
QUẬN 5 - THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Các cách giữ ấm cho cơ thể mà bạn nhất định nên biết

Thời tiết thay đổi thất thường, lạnh đột ngột sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ. Vì vậy, việc giữ ấm cho cơ thể là điều rất quan trọng.

Mặc quần áo đủ ấm

Việc mặc quần áo để giữ ấm cho cơ thể là biện pháp đơn giản và hữu hiệu nhất. Song, không có nghĩa chúng ta phải mặc nhiều quần áo dày, mà nên mặc quần áo mỏng, nhiều lớp, để gió lạnh không thể luồn vào cơ thể. Đặc biệt lưu ý không được mặc phong phanh khi trời lạnh bởi điều này có thể khiến bạn dễ viêm phổi và đột quỵ.

Đối với trẻ em, mặc quần áo nhiều lớp những phải mỏng, dễ cởi để khi trẻ toát mồ hơi do chơi đùa, hoặc nằm ngủ. Mồ hôi của trẻ nếu không kịp lau có thể thấm ngược trở lại cơ thể gây các bệnh đường hô hấp.

Người dân nên mặc quần áo đủ ấm khi ra đường trong tiết trời giá rét. Ảnh Tạ Quang
Người dân nên mặc quần áo đủ ấm để giữ ấm cho cơ thể khi ra đường trong tiết trời giá rét. Ảnh Tạ Quang

Đặc biệt giữ ấm vùng mũi – cổ – ngực

Việc giữ ấm vùng mũi – cổ – ngực là nguyên tắc đầu tiên để ngừa các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Nhất là mũi – cơ quan chịu ảnh hưởng đầu tiên do nằm ở vị trí “cửa ngõ” tiếp xúc và đón không khí vào cơ thể. Nếu không khí lạnh, khô đột ngột được hít vào sẽ ảnh hưởng tới mũi, khiến cho niêm mạc mũi vốn đã mỏng sẽ dễ bị tổn thương gây viêm, đau mũi.

Ăn đủ chất

Nên ăn thức ăn nấu chín kỹ, mềm, dễ tiêu, số lượng ít nhưng chất lượng đảm bảo như súp, cháo thịt, các món hầm… Ăn đủ các chất đường, protein, đặc biệt là mỡ giúp cho cơ thể có chất để sinh năng lượng chống rét.

Buổi sáng và trưa nên ăn thức ăn giàu calories và bữa tối ăn nhẹ nhàng hơn kèm theo chút hoa quả. Uống trà vào mỗi buổi sáng cũng là thói quen tốt giúp hệ hô hấp khỏe mạnh hơn. Tránh ăn quá no, uống quá nhiều vào bữa tối vì có thể gây mất ngủ do đầy bụng trướng hơi và đi tiểu nhiều.

Bên cạnh đó, cần dùng những thức ăn nóng ấm, rắc thêm ít tiêu sẽ giúp làm ấm vùng phổi. Tăng cường các loại trái cây có tác dụng giữ ấm phổi, tốt cho hệ hô hấp như nhãn, xoài, ổi…

Ngâm chân bằng nước ấm

Bàn chân là bộ phận nhạy cảm nhất với lạnh. Vì thế, ngoài việc giữ ấm cơ thể cần phải đặc biệt chú ý chăm sóc và giữ ấm đôi bàn chân. Giữ cho đôi chân khỏe mạnh chính là cách để bảo vệ sức khỏe trong mùa đông.

Mỗi tối trước khi đi ngủ, nên ngâm chân vào chậu nước ấm cho chút muối ăn khoảng 10-15 phút. Nếu có điều kiện có thể dùng nước ấm pha chút tinh dầu bạc hà, hoắc hương hoặc nấu nước lá chanh, lá bạch đàn,…

Đặc biệt chú ý, khi đi ra ngoài lạnh về, không nên hơ ngay bàn chân gần bếp lửa, lò sưởi dù là sưởi điện, không dùng túi chườm nóng, kể cả chăn sưởi ấm quá nóng. Dùng bít tất ngắn có chất liệu sợi bông, len. Nên đi giày đế dầy và có tấm lót. Nên thường xuyên thay tất, giữ vệ sinh cho đôi chân.

Không tắm muộn và hạn chế tập thể dục buổi sáng sớm hoặc tối muộn

Tắm quá lâu và tắm muộn khi nhiệt độ ngoài trời hạ thấp vô cùng nguy hiểm, thậm chí dẫn tới tử vong. Vì thế khi tắm, các bàn cần chú ý nhiệt độ nước tắm, thời gian và nên tắm và sinh hoạt trong phòng kín gió. Nếu nhiệt độ ngoài trời quá thấp, nên hạn chế tắm nhiều, chỉ cần vệ sinh bằng khăn ẩm và tắm 2 ngày 1 lần là đủ.

Vào buổi sáng và buổi tối, có thể tập thể dục, đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày. Đi bộ cũng là cách tốt nhất để cải thiện lưu thông máu cho bàn chân.

Tuy nhiên, người cao tuổi cũng cần nên chú ý và hạn chế tập thể dục buổi sáng sớm, bởi khả năng cảm nhận nhiệt độ môi trường ở người cao tuổi suy giảm theo tuổi tác. Cùng với đó là khả năng kiểm soát và điều chỉnh nhiệt độ cơ thể ở người cao tuổi bị giảm hơn so với người trẻ. Người cao tuổi mắc nhiều bệnh mạn tính và phải dùng nhiều loại thuốc nên dễ bị tổn thương do lạnh hơn.

Tránh xa rượu, bia

Quan điểm uống rượu cho ấm người là quan điểm không đúng. Việc uống quá nhiều rượu sẽ gây ra những tác hại khôn lường với sức khoẻ. Uống rượu, nhất là uống say trong thời tiết lạnh rất nguy hiểm dễ bị đột quỵ. Khi uống rượu, các mạch máu giãn ra, khi gặp trời lạnh, mạch đột ngột co lại, huyết áp dễ tăng lên gây tai biến và dẫn đến tử vong.

GÓP Ý KIẾN