Di tích có tên chữ Hán là “Hà Chương hội quán“. Tên gọi này được chạm trên bia đá ghi lại việc trùng tu lập năm 1848, còn lúc mới xây dựng hội quán có tên là Chương Châu. Vì thờ Thiên Hậu thánh mẫu nên người ta còn gọi di tích là chùa Bà Hà Chương.
Di tích tọa lạc tại số 802 Nguyễn Trãi, phường 14, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh; cách Bưu điện Chợ Lớn 500 mét về hướng Tây Bắc.
Hội quán do những người Hoa gốc phủ Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến xây dựng. Cho đến nay chưa tìm thấy tư liệu nào cho biết đích xác thời điểm xây dựng hội quán này. Tuy nhiên, trên một câu đối ở điện thờ Thiên Hậu có ghi năm trùng tu hội quán là Gia Khánh Kỷ Tỵ (tức năm 1809). “Gia Định thành thông chí”, tác phẩm được coi là hoàn tất vào khoảng năm 1818-1820 cũng nhắc đến hội quán Chương Châu khi tả cảnh phố chợ Sài Gòn. Như vậy, hội quán Chương Châu được xây dựng ít ra là vào khoảng đầu thế kỷ XIX hoặc vài chục năm trước nữa.
Hội quán đã được trùng tu nhiều lần. Hiện trên vách gian tiền điện còn hai tấm bia đá lập năm 1848 và năm 1871 ghi lại hai lần trùng tu hội quán. Trên bia lập năm 1848 tên hội quán được đổi là Hà Chương.
Diện tích khuôn viên hội quán khoảng 1.500m2, khoảng sân phía trước rộng gần 300m2. Vào năm 1885, người trong hội đã góp tiền xây một ao cá ở trước hội quán, phía bên kia đường. Bia đá ghi lại sự kiện này chép rằng mục đích xây hồ cá là để “tụ khí, trấn mạch” cho miếu thờ được linh thiêng.
Mặt bằng kiến trúc gồm 3 ba tòa nhà ba gian nằm ngang tạo thành tiền điện, chính điện và hậu điện. Hai bên ba điện thờ này là hai dãy nhà nằm dọc, vuông góc và nối từ tiền điện đến hậu điện tạo thành một công trình khép kín như hình chữ khẩu. Đây là tả điện, hữu điện và văn phòng làm việc của hội. Giữa các tòa nhà là sân thiên tỉnh hoặc hành lang thông hương.
Hội quán được xây dựng theo kiểu đền miếu cổ Trung Hoa. Vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ, đá, gạch, ngói. Kỹ thuật tạo dáng mái và trang trí mang nét đặc trưng của nhóm người Hoa Phúc Kiến.
Mái hội quán được lợp ngói ống, diềm mái là hàng ngói men xanh. Mỗi tòa nhà có một lớp mái riêng. Mái tiền điện được trang trí cong công phu hơn cả với phần mái của gian giữa và phần mái của hai gian bên chênh nhau về độ cao tạo thành bốn đỉnh mái. Từ bốn đỉnh mái, tám đầu đao được kéo dài xuống gần đầu mái. Bằng hệ thống cấu trúc đặc biệt, các đỉnh mái võng xuống còn các đầu đao, đầu đỉnh mái thì cong vút tạo cho hội quán có dáng một con thuyền. Giữa gờ đỉnh mái gắn tượng người cưỡi long mã vượt qua vòng lửa. Hai đầu đỉnh mái là hai tượng rồng đang giương móng, đầu ngẫng cao. Dọc theo đao gắn các tượng rồng, phượng, binh tướng… Trên các đầu đao là mô hình tòa thành với nhiều tượng người, vật, nhà cửa… sinh động.
Toàn bộ kết cấu của mái được đặt trên hệ thống vì kèo gỗ và bộ cột bằng gỗ hoặc đán, trong đó có hai cặp cột đá (hai cột hiên và hai cột dưới đầu mái chính điện) được chạm trổ khá tinh tế. Từ khối đá nguyên, nghệ nhân đã thể hiện cảnh rồng vượt vũ môn, thân rồng uốn dài quanh cột, trên lưng chở bốn vị trong Bát tiên, đế cột hình lục giác, chạm nổi hình mai – điểu, nho – sóc… Ngoài bốn cột này, các phù điêu long mã, bình hoa sen, hoa mẫu đơn, trích đoạn tuồng tích chạm nổi trên vách đá mặt tiền, hai cặp kỳ lân chầu bên cửa, các quả cầu đá đặt hai bên hai cửa phụ… cũng là những tác phẩm chạm khắc đá nghệ thuật ở hội quán.
Năm 1871, trạng nguyên Trung Hoa Lâm Hồng Niên đã đề tặng hội quán đôi câu đối chạm trên cột cửa:
HÀ thái ánh An Nam thiên vận triệu sài hòa chi khánh
CHƯƠNG lưu thông trạch quận địa linh khai phú quý chi tường
Phía trên cửa là tấm biển gỗ đề bốn chữ “Hà Chương hội quán” bằng Hán tự.
Hội quán còn là nơi thờ cúng, lễ hội của cộng đồng người Hoa và các điện thờ chiếm phần lớn diện tích hội quán. Vị thần được thờ chính ở hội quán Hà Chương là Thiên Hậu Thánh Mẫu. Ngoài ra, còn thờ Chúa Sinh nương nương, Phúc Đức chính thần, Quan Âm bồ tát, Quan Thánh Đế Quân, Ngọc Hoàng đại đế.