ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
QUẬN 5 - THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Lưu ý khi tiêm vaccine phòng chống dịch bệnh Covid-19 đối với người bệnh tim

Trước một số thắc mắc của người dân về bệnh nhân tim mạch có nên tiêm vắc xin ngừa COVID-19 không? Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 5 thông tin về một số điểm lưu ý như sau:
⭐Câu 1. Những người có bệnh tim mạch có nên tiêm phòng Covid -19 hay không và cần lưu ý những gì?
Trả lời: Tiêm vắc xin cho bệnh nhân tim mạch là điều hết sức quan trọng. Hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy bệnh tim mạch có chống chỉ định đối với vắc xin ngừa COVID-19, vì:
– Những người có bệnh tim mạch (bao gồm: Rung nhĩ, đau thắt ngực do bệnh động mạch vành, bệnh cơ tim, bệnh tim bẩm sinh, đái tháo đường, suy tim, ghép tim, thuyên tắc phổi, bệnh mạch máu ngoại vi, đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua, sa sút trí tuệ…) tiêm vắc xin phòng COVID-19 giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm nguy cơ phải nhập viện do nhiễm bệnh và giảm nguy cơ tử vong một khi mắc bệnh. Nếu không tiêm phòng, khi mắc COVID-19 tình trạng bệnh tim mạch dễ bị nặng hơn thông qua nhiều cơ chế, bao gồm cả tình trạng tổn thương viêm trực tiếp ở tim.
– Tất nhiên, cần lưu ý chống chỉ định một số trường hợp bệnh nặng, cấp tính, tuổi cao, nhiều bệnh kết hợp…
⭐Câu 2. Tác động của vắc-xin đối với những người có bệnh tim mạch?
Trả lời: Các nghiên cứu hiện nay về vắc xin ngừa COVID-19 trên nhiều đối tượng, trong đó có bệnh nhân tim mạch, không thấy bất kỳ ảnh hưởng nghiêm trọng nào. Những khó chịu có thể gặp gồm: đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ hoặc ớn lạnh, có thể có sốt tương tự như bị cúm. Cánh tay nơi tiêm có thể cứng và đau nhức. Tình trạng này có thể tồn tại trong thời gian ngắn, kéo dài khoảng 24 – 48 giờ và có thể xử lý bằng giảm đau, hạ sốt thông thường, kết hợp với uống nhiều nước.
Có tỷ lệ khoảng 1 người trên 2 triệu người có thể bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng làm tăng nặng bệnh tim. Tuy nhiên, rủi ro này là cực kỳ hiếm. Lợi ích của việc tiêm vắc xin lớn hơn nhiều so với nguy cơ bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng và do đó mọi người vẫn nên tiêm vắc xin.
⭐Câu 3. Tương tác của vắc-xin với thuốc điều trị bệnh tim mạch?
Trả lời: Không có báo cáo về tương tác giữa vắc-xin và thuốc điều trị bệnh tim mạch, vì vậy bệnh nhân không được bỏ thuốc điều trị tim mạch trước hoặc sau khi tiêm vắc-xin. Một số bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống đông, kháng kết tập tiểu cầu, khi tiêm có thể bị đau, sưng và bầm tím xung quanh vết tiêm.
⭐Câu 4. Bệnh nhân ghép tim đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, có thể tiêm vắc-xin COVID-19 không?
Trả lời: Các vắc-xin hiện nay đều không chứa vi-rút sống, do đó không có nguy cơ gây nhiễm bệnh cho những bệnh nhân có hệ miễn dịch kém, kể cả những bệnh nhân đang dùng thuốc ức chế miễn dịch. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể không đáp ứng tốt với vắc-xin và sẽ phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung ngay cả khi đã được tiêm vắc-xin.
⭐Câu 5. Nguy cơ chảy máu khi tiêm cho bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống đông, chống kết tập tiểu cầu ra sao?
Trả lời: Nhiều bệnh nhân tim mạch phải thường xuyên dùng thuốc chống đông máu như thuốc kháng vitamin K (warfarin, sintrom…) hoặc thuốc chống đông máu đường uống trực tiếp (rivaroxaban, dabigatran), hoặc thuốc kháng kết tập tiểu cầu (aspirin, clopidogrel, ticagrelor hoặc prasugrel) có nên dừng thuốc khi tiêm không? Câu trả lời là không nên và những bệnh nhân này có nguy cơ bị chảy máu tại chỗ tại vị trí bị kim đâm vào cơ cánh tay khi tiêm chủng COVID-19. Vì vậy có thể có nguy cơ bầm tím hoặc sưng tấy xung quanh vết tiêm tại chỗ, để khắc phục, nên sử dụng kim nhỏ (cỡ 23 hoặc 25) để tiêm, sau đó ấn mạnh vào vết thương chứ không day xoa trong ít nhất hai phút. Không như vắc-xin cúm được tiêm dưới da, vắc-xin COVID-19 chỉ có thể có dạng tiêm bắp.
Nguồn: BS Nguyễn Dũng – Khoa Nội Tim mạch, Viện Tim mạch, Bệnh viện trung ương Quân đội 108.

GÓP Ý KIẾN