ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
QUẬN 5 - THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp các hội quán hơn 200 tuổi ở Sài Gòn

Để tìm về kí ức của Chợ Lớn – Sài Gòn, sẽ không nơi nào phản ánh rõ nét hơn những hội quán có niên đại hàng trăm năm tuổi.

Hội quán Nghĩa An

Hội quán Nghĩa An tọa lạc tại số 676 đường Nguyễn Trãi (phường 11, quận 5) còn có tên gọi khác là Chùa Ông hay Miếu Quan Đế. Đây là hội quán của bang Triều Châu do những người Triều Châu di dân sang Việt Nam thành lập. Không rõ hội quán được xây dựng vào thời điểm nào, nhưng có lẽ muộn nhất là đầu thế kỉ XIX vì khoảng năm 1818, khi viết về chợ Sài Gòn xưa, Trịnh Hoài Đức đã nhắc đến Hội quán Triều Châu: “Đường lớn đầu phía Nam có Miếu Quan Thánh và ba hội quán Phước Chây, Quảng Đông, Triều Châu chia đứng hai bên tả hữu. Hễ gặp tiết đẹp đêm trăng, các ngày tam nguyên sóc vọng thì treo đèn, đặt án, đua tranh kỳ xảo, …”.

Các em trẻ nước ngoài thích thú với việc thắp nhang tại Hội quán Nghĩa An
Các em trẻ nước ngoài thích thú thắp nhang tại Hội quán Nghĩa An

Các bia đá được lưu giữ tại đây cho biết, hội quán đã được trùng tu và sửa chữa vào các năm 1866, 1902, 1969, 1994 và lần đại trùng tu gần nhất vào năm 2014.

Sân miếu khá rộng, chiếm hơn phân nửa diện tích khuôn viên, hai bên đặt tượng kỳ lân đá. Từ cổng lớn vào đến cửa miếu, ngay hai bên cửa chính là cặp thạch cổ (trống đá) – một thành phần kiến trúc đặc thù của các ngôi chùa Hoa.

Hàng năm, chùa Ông có hai lễ lớn nhất là Lễ Nguyên Tiêu vào ngày Rằm tháng Giêng và ngày vía Ông (24 tháng 6 âm lịch). Đây cũng là ngày lễ quan trọng nhất, không chỉ với bà con người Hoa mà còn rất đông bá tánh thập phương đến chiêm bái.

Ngoài ý nghĩa là dấu tích của phố chợ Sài Gòn xưa, qua hai thế kỉ tồn tại, Hội quán Nghĩa An còn là nơi bảo tồn những truyền thống văn hóa, tín ngưỡng, những hiện vật quý giá của cộng đồng người Triều Châu.

Hội quán Nghĩa An được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1993.

Hội quán Ôn Lăng

Hội quán Ôn Lăng có địa chỉ tại số 12 đường Lão Tử (phường 11, quận 5). Đây là trụ sở của người Hoa quê ở phủ Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa, vừa là nơi thờ cúng Thiên Hậu Thánh Mẫu, là vị thần người Phúc Kiến thường cứu giúp người dân đi biển.

Người người đi chùa cầu ăn dịp Tết Nguyên Đán 202o
Người người đi chùa cầu an dịp Tết Nguyên đán 2020

Theo nội dung trên bia đá lập năm 1869 còn lưu giữ tại hội quán, thì người xưa lập hội quán để bàn việc công, thờ thần và qua sự cúng tế mà tương trợ đồng hương. Cũng theo văn bia này, hội quán Ôn Lăng không rõ được xây dựng từ năm nào. Năm Mậu Tý niên hiệu Đạo Quang tức năm 1828, Đổng sự hiệu Thái Nguyên Hưng là người trong bang, quyên được một vạn quan tiền để trùng tu hội quán. Sau này hội quán tiếp tục được trùng tu vào các năm 1867, 1897, 1993, 1995.

Hội quán được xây dựng trên khuôn viên khoảng 1800m2, theo kiến trúc “chuồng rường – đấu củng” với bộ khung chịu lực bằng gỗ, mái lợp ngói ống, chân mái viên bằng ngói thanh lưu ly.

Hội quán Ôn Lăng có khá nhiều bàn thờ vì vậy số tượng thờ cũng nhiều hơn các hội quán khác. Các tượng thờ được tạc chân phương, tô màu trang trí theo qui ước như: Thiên Hậu có nét mặt phúc hậu; Quan Đế mặt đỏ có Quan Bình, Châu Xương theo hầu…

Ngày nay, không chỉ riêng người Phúc Kiến mà rất đông du khách trong nước cũng như người nước ngoài đến hội quán Ôn Lăng để bày tỏ niềm tin vào thần thánh và để chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc ghi dấu lịch sử, văn hóa của Sài Gòn xưa.

Trải qua hai thế kỷ, khu chợ Sài Gòn xưa, nay là Chợ Lớn, vẫn sầm uất, tấp nập và hội quán Ôn Lăng vẫn giữ được vẻ tráng lệ của mình.

Hội quán Ôn Lăng được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 2002.

Video: Chiêm ngưỡng vẻ đẹp các hội quán hơn 200 tuổi ở Sài Gòn

 

Hội quán Tuệ Thành

Hội quán Tuệ Thành tọa lạc tại số 710 Nguyễn Trãi (phường 11, quận 5) từ nửa cuối thế kỷ XVIII, khi đông đảo người dân vùng duyên hải Nam Trung Hoa đến Việt Nam buôn bán và định cư. Tương truyền, khi lênh đênh trên biển, họ mang theo bài vị của Thiên Hậu Thánh Mẫu để cầu xin bà phù hộ bình an. Theo truyền thuyết, Thiên Hậu Thánh Mẫu tên là Lâm Mặc Nương, sinh ngày 23 tháng 3 âm lịch năm 960 ở Mi Châu, Bồ Điền, Phúc Kiến, Trung Hoa. Từ nhỏ bà đã có khả năng đặc biệt thấy trước tương lai, cứu người hoạn nạn, nhất là những người đi biển. Sau khi mất, bà rất hiển linh nên được người dân lập miếu thờ và được triều đình Trung Hoa phong tặng nhiều danh hiệu cao quí.

Đặc biệt của các Hội quán là khói nhang mịt mù
Khói hương nghi ngút ở hội quán

Tại khu vực trung tâm của Sài Gòn xưa – khu vực Chợ Lớn ngày nay, người Hoa quê phủ Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông đã xây dựng Hội Quán Tuệ Thành làm nơi hội họp, quản lý dân, giúp đỡ đồng hương, đồng thời cũng là nơi thờ cúng Thiên Hậu để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Bà.

Do quá lâu đời và không có tài liệu cụ thể nên không thể biết chính xác hội quán được xây dựng vào năm nào. Tuy nhiên, tại hội quán còn lưu giữ một đại hồng chung, các chữ Hán đúc trên thân chuông cho biết chuông do các nhà buông ở Hội quán Tuệ Thành dâng cúng vào năm Ất Dậu niên hiệu Càn Long tức năm 1795. Hội quán đã trải qua các lần trùng tu 1830, 1828, 1841, 1859, 1908, 1972, 1998.

Hội quán Tuệ Thành có dạng hình khung gỗ, tường hồi chịu lực, mái lợp ngói âm dương, được xây dựng trên khuôn viên có chiều dài hơn 65m, chiều rộng là 27m. Hội quán Tuệ Thành càng nổi bật bởi các bức phù điêu gốm trang trí trên tường, trên mái ngói.

Hội quán Tuệ Thành (Chùa Bà Thiên Hậu) được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1993.

(Bài viết có sử dụng nguồn tài liệu từ quyển “Tự hào di sản văn hóa Quận 5” xuất bản năm 2017)

Tam Nguyên

https://www.phunuonline.com.vn/chiem-nguong-ve-dep-cac-hoi-quan-hon-200-tuoi-o-sai-gon-a1401791.html?fbclid=IwAR3XCO9M2ZIIv-g3gNTffA5OwtwNHvI_A8-06KTAFHYW_oUJOQquRwSvVH0

GÓP Ý KIẾN